Làng mộc Kim Bồng thuộc địa phận xã Cẩm Kim, nằm ngay hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An một chuyến đò rất gần. Được biết, nghề mộc có mặt tại đây từ khoảng thế kỷ XV khi các cư dân ở các vùng khác đến định cư. Vào giai đoạn thương cảng Hội An phát triển hưng thịnh, nghề mộc cũng rất phát triển đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày một nhiều. Bên cạnh những sản phẩm đáp ứng cho cuộc sống sinh hoạt như bàn, ghế, tủ..thì những công trình nhà ở, tàu thuyền cũng trở thành cấp thiết. Điều đó khiến nghề mộc trở nên thịnh hành ở Hội An thời đó.
Cũng trên đà phát triển ấy, sự giao lưu văn hóa trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng, là đòn bẩy tiếp lực cho nghề mộc Kim Bồng thêm thăng hoa khi được giao thoa với các tinh hoa nghệ thuật của những nền văn hóa khác như văn hóa Chăm, Trung Quốc, Nhật Bản…Chính sự giao thoa này cùng với cội rễ truyền thống văn hóa dân tộc đã kiến tạo nên màu sắc rất riêng, bộc lộ rõ trên từng nét trạm trổ, từng sản phẩm mà Làng mộc Kim Bồng Hội An tạo nên. Dù trải qua bao biến thiên của thời gian nhưng những sản phẩm của Làng mộc ngày nay vẫn giữ nguyên được nét đặc trưng của mình. Nếu có cơ hội đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng từng sản phẩm chạm trổ từ những đồ vật lưu niệm xinh xắn, đến những bức tượng được gọt mài tỉ mỉ, hay những nếp nhà có những hoa văn tinh tế mềm mại, uyển chuyền như rồng bay phượng múa trên từng cây cột gỗ quý. Điều này cũng một phần khẳng định lại bàn tay khéo léo, lành nghề và công sức của những người thợ mộc nơi đây.
Du lịch Hội An từ tháng 10 trở đi, bất chấp có thể còn vương vấn bởi những cơn mưa trĩu hạt hay những cơn bão lũ đổ xuống, nhưng khi tởi thăm Làng Mộc Kim Bồng, có dịp chứng kiến những người thợ làng khéo léo cần mẫn bình thản đẽo gỗ, mới thấy trong những nét hoa văn cham khắc ấy là kết tinh cả bao giọt mồ hôi, sự kiên trì, bền bỉ và yêu nghề đến đáng kính. Chính những con người đã giữ lửa và truyền lửa để Làng mộc Kim Bồng Hội An tồn tại bền bỉ trong dòng thời gian vô thủy vô chung.