Sự tích xưa về lễ hội rước Mục Đồng
Lễ rước Mục Đồng là lễ hội dành cho trẻ chăn trâu được ở làng Phong Lệ, nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Chuyện kể rằng, làng Phong lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giánh hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng.
Hàm nghĩa ẩn chứa của lễ hội
Lễ hội được ra đời với ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đến đây, du khách sẽ trông thấy nhiều hiện vật, linh vật được bà con hàng xóm trong làng chuẩn bị từ trước để dâng lên các thần linh và gửi gắm những điều ước nguyện. Hơn nữa vì đây là lễ hội Mục Đồng, nên theo ý nghĩa ấy, du khách còn được bắt gặp những cô bé, cậu bé trong trang phục chăn trâu thời xa xưa, nô đùa dưới đồng ruộng.
Vài nét về lễ hội rước Mục Đồng
Vào hạ tuần tháng 3 âm lịch, khi công việc đồng áng đã vãn cũng là lúc các công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu. Làng trên xóm dưới rộn ràng chuẩn bị lễ hội. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có cờ lớn của 13 tộc họ trong làng ngày đó. Cờ lớn cán bằng tre dài 5 m có treo các con giống như là tứ linh (lân, long, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng đa phần vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng, … Để được chiếm giải trong lễ hội, các tộc họ có điều kiện thường thi nhau rước thợ mộc Kim Bồng về tiện các con giống bằng gỗ rất công phu.
Chiều 29-3 âm lịch làm lễ dạo đồng.Đây là lúc sum họp của mọi gia đình. Mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng tỏ ý cầu cho được mùa. Sáng ngày 30 tiến hành lễ rước. Trời chưa hửng sáng đã vang lên tiếng trống giục giã dân làng về dự lễ. Mọi người tề tựu trong sân đình Thần (đình Mục Đồng). Trùm mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái rồi cung thỉnh bài vị Thần Nông đặt vào kiệu. Dẫn đầu đám rước là đoàn cờ mục đồng rồi đến cờ 13 tộc họ. Dàn cổ nhạc cùng với chiêng trống, kiểng cổ vang động một góc trời. Nhà nhà có trâu đều sắm sửa lễ phẩm, thường là một mâm xôi với hoa quả, có khi một con gà hay một đầu heo, cho người đội theo đám rước. Dân làng nối đuôi đi sau cùng. Điểm nhấn giữa đoàn người rồng rắn là kiệu rước, uy nghi, trang trọng tiến về cồn Thần.
Trong âm thanh dậy trời của trống chiêng nhã nhạc, dưới ánh sáng bập bùng của các ngọn đuốc, đám rước tạo nên một khung cảnh rất đỗi yên bình trên đường làng còn mờ trong sương sớm. Mặt trời lên khỏi ngọn tre là lễ cũng vừa xong. Mọi người lại quay về với cuộc sống nông gia đời thường, nhưng trong lòng đã dấy lên một niềm tin: năm nay sẽ có một vụ mùa bội thu.
Đến với lễ hội này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, cũng như tìm thấy được cho mình một “sân chơi” mới lạ tái hiện về một thời đã xa của dân tộc Việt sau những guồng quay bộn bề của cuộc sống hiện đại.