Sơn Trà Tịnh Viên còn được gọi là “Khu bảo tồn tre Đà Nẵng”, tọa lạc sâu bên trong thung lũng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nằm trong địa phận tiểu khu 64, phường Thọ Quang, Sơn Trà (Đà Nẵng). Sở hữu không gian trong lành, tuyệt đẹp như chốn tiên cảnh, Sơn Trà Tịnh viên đã tạo nên những ấn tượng đậm nét trong lòng du khách thập phương khi ghé thăm nơi đây. Khu vườn tre trúc vô cùng thanh tĩnh và xanh mát này còn giao thoa hài hòa với âm thanh róc rách của tiếng suối, tiếng hót líu lo của chim ca, tiếng gió thổi rì rào, tạo nên một bức tranh sống động, đẹp đẽ và nên thơ.
Tâm huyết cả đời của sư thầy đức độ
Là một trong ba khu bảo tồn tre, trúc ở Việt Nam, cùng với vườn tre ở Viện khoa học lâm nghiệp (Phú Thọ) và làng tre Phú An (Bình Dương), Sơn Trà Tịnh Viên là tâm huyết của cả đời sư thầy Đại đức Thích Thế Tường. Vào tháng 9 năm 2005 khi một Phật tử sùng bái tâm huyết của thầy đã dùng 1 ha đất khu suối đá ở một thung lũng bán đảo Sơn Trà giúp thầy được trồng tre, trúc như tâm nguyện. Thời điểm đó, rừng núi còn nguyên sơ, ngút ngàn lau sậy, thầy đã dựng nên một am nhỏ để tu hành và cư trú. Thầy nỗ lực từng ngày phát quang rừng rậm, làm đường, đào lên hồ nước hàng trăm mét vuông, trồng sen, chăm sóc tre, trúc, tạo ra môi trường sinh thái tuyệt vời, để ngày nay chúng ta có “Khu bảo tồn tre trúc Việt”.
Không những thế, thầy vẫn luôn đem hết sức lực, tâm huyết để tìm kiếm, khảo cứu, và nhân giống các loại tre, trúc. Từ trúc ở Hóa Long, tre đen ở Bắc Kạn, tre, lồ ô Làng Ngà, trúc quân tử ở Đà Lạt đến trúc đen núi Yên Tử trong sách Đỏ đều có mặt tại đây và được thầy nhân giống, phát triển xanh rì. Sơn Trà Tịnh Viên ngày nay sở hữu hơn 100 loài trong tổng số gần 300 loài tre trúc ở Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ, sư thầy đã thành công cải tạo một vùng rừng núi hoang sơ thành Sơn Trà Tịnh Viên có giá trị về văn hóa, sinh thái, và tiềm năng du lịch.
Thầy Tường đã từng nói hình ảnh tre trúc có mối quan hệ gắn bó máu thịt với làng xóm, đồng quê Việt, cũng như quê hương Vỹ Dạ (Huế) luôn hiện diện trong trí nhớ tuổi thơ của ông, cũng đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam, nên cần phải được bảo tồn, để hậu thế sau này biết đến loài cây biểu trưng cho khí phách, hồn cốt của dân tộc Việt. Đó là động lực thôi thúc ông phát triển Sơn Trà Tịnh Viên.
Yên bình tại Sơn Trà Tịnh Viên
Rất nhiều loại tre trúc được trồng thành một mê cung đấy sức sống, thanh bình và trong lành, khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ, thán phục. Mỗi loại tre đều được giới thiệu rõ về tên gọi, nguồn gốc như Bương ở Thanh Hóa, Lồ ô ở Quảng Nam, Lồ ô Cát Tiên ở Lâm Đồng, Tre Tạp Giao… Xung quanh vườn tre là những chiếc võng và ghế đá được đặt để du khách có thể nghỉ chân, hòa mình trong khung cảnh ấn tượng tuyệt vời.
Tre trúc chủ yếu có mặt ở phía Tây Bắc, có nhiều chủng loại đa dạng về hình dáng, màu sắc, lá cây, thân cây cho tới rễ cây, chỉ những chuyên nghiên cứu mới biết được. Mặc dù vậy, cây tre sống vẫn rất kiên cường không cần phải chăm sóc tỉ mỉ như loài khác, chỉ cần thổ nhưỡng và khí hậu tốt là được. Rừng nguyên sinh bán đảo Sơn Trà đã bao gồm cả 2 khía cạnh quan trọng này, giao hòa cả 2 miền khí hậu, nên rất lý tưởng cho tre trúc từ những vùng khác đưa về phát triển.
Thông tin