Nằm trong lòng thành phố, tại nơi giao cắt của hai con phố nằm trong top đẹp nhất Đà thành, đường 2/9 và Trưng Nữ Vương, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng dễ gây ấn tượng cho du khách ngay từ lần đầu gặp gỡ, du có chiều cao khá khiêm tốn, song nó vẫn toát lên vẻ cổ kính, rêu phong và thuấn đượm màu ký ức. Nơi đây được xây dựng vào tháng 7 năm 1915, có sự tham gia giúp đỡ của nhà bác học người Pháp, và hoàn thành năm 1919. Diện mạo của nó ngày nay là kết quả của những lần tu bổ và tôn tạo.
Nép mình sau những bóng cây và bức tường rào kiên cố hai bên, bảo tàng Chăm nổi bật với màu sơn vàng đặc trưng, rất quý phái và cổ điển, và được thiết kế theo lối kiến trúc độc đáo, có sự pha trộn hài hòa giữa phong cách Pháp và kiến trúc Chăm. Lối dẫn vào bảo tàng có nhiều cây hoa đại, bên dưới là hàng chè tàu và những bãi cỏ xanh tươi. Trước sân là những bức tượng mang phong cách điêu khắc Chăm được chạm trổ từ đá, rất bắt mắt.
Trái ngược với không gian bên ngoài khá nhỏ, không gian trưng bày của bảo tàng điêu khắc Chăm khá rộng rãi, bao gồm nhiều phòng trưng bày. Phía sau bảo tàng là gian nhà hai tầng mới được xây dựng, tầng một để các cổ vật còn lưu giữ trong kho, tầng hai trưng bày tranh ảnh, tài liệu về kiến trúc Chăm và các nền văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á.
Bảo tàng hiện còn lưu giữ một kho tàng vô giá gồm hơn 2000 cổ vật của nền văn hóa Chăm, bao gồm khoảng 500 cổ vật được trưng bày, còn lại cất trong kho. Tượng Bồ Tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Đài thờ Trà Kiệu được lưu giữ tại đây được xem là ba trong 2000 cổ vật là bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Chăm
Hình tượng những vị nữ thần được sử dụng phổ biến trong điêu khắc Chăm, đặc trưng cho nền văn hóa tôn thờ thần Mẹ xứ sở. Vào những giai đoạn đầu khi mới du nhập tôn giáo Ấn Độ, thần Mẹ xứ sở được kết hợp với thần Bhagavati, vợ thần Shiva. Về sau thần Mẹ xứ sở được vinh danh lên hàng tối cao với tên gọi là Uroja. Bên cạnh đó còn có các hình ảnh các vị thần mang hình dáng động vật, vị thần gắn với các nhân tố tự nhiên như nước, đất, lá, lửa… cũng được sử dụng trong nền điêu khắc Chăm.
Đặc biệt, những bức tượng điêu khắc được chế tạo chủ yếu bằng đá sa cát với những hoa văn tinh xảo, khéo léo, cho thấy tính nghệ thuật điêu khắc Chăm phát triển mạnh mẽ thời bấy giờ. Ngoài ra còn được chế tạo bằng đất nung và đồng.
Tới bảo tàng Chăm Đà Nẵng, du khách sẽ được sống lại một thời quá khứ huy hoàng, vàng son của dân tộc Chăm, với những đền thờ cổ kính, tráng lệ – là sự hòa quyện giữa nghệ thuật đỉnh cao và tâm linh. Bảo tàng điêu khắc Chăm thực sự là di sản vô giá của người Đà Nẵng, của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.